16 thg 12, 2011

Mật ong và những lợi ích trong phòng bệnh, chữa bệnh

Mật ong là một sản vật quý của tự nhiên, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Mật ong quen thuộc với con người ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều ứng dụng trong đời sống và y dược. Một trong những ứng dụng phổ biến của mật ong đó là làm giảm nhẹ các triệu chứng thường gặp ở vùng họng như viêm họng, ho, ngứa rát họng, đau họng…Các bác sĩ ở trường đại học y dược Pensylvania (Mỹ) đã tổng hợp và phân tích về tác dụng của Mật ong như sau:

Mật ong giúp làm giảm viêm họng

Mật ong rất lành lại có hoạt tính kháng khuẩn nên được xem như một loại kháng sinh tự nhiên. Bôi mật ong trực tiếp lên các vết chầy xước, vết thương, vết nhiễm trùng ngoài da có tác dụng chống nhiễm khuẩn, giúp vết thương mau lành. Sử dụng kết hợp mật ong và thuốc kháng sinh cho kết quả làm lành các ổ loét niêm mạc dạ dày tá tràng nhanh hơn việc chỉ sử dụng kháng sinh đơn độc. Mật ong cũng được sử dụng để đề phòng nhiễm khuẩn và điều trị các vết thương hậu phẫu. Tương tự như vậy, mật ong cũng được sử dụng để làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn ở niêm mạc hầu họng. Do vậy, khi bị viêm họng, nên lưu ý bổ sung mật ong vào danh mục thuốc điều trị.


Mật ong giúp mau lành các vết loét

Bên cạnh tác dụng kháng khuẩn, mật ong còn kích thích việc tái tạo niêm mạc mới nên giúp mau lành các tổn thương da và niêm mạc. Tác dụng này nhờ sự có mặt của 2 thành phần acid Panthotenic và Albumin sẵn có trong mật ong.

Mật ong giúp làm dịu niêm mạc hầu họng

Nhờ vị ngọt thanh và các thành phần làm dịu niêm mạc sẵn có, mật ong khi để tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hầu họng có tác dụng làm dịu họng, giảm ngứa và đau rát họng. Ngoài ra, mật ong còn làm tăng tính kháng viêm và kháng dị ứng của niêm mạc họng, do vậy giúp niêm mạc họng trở nên bền vững hơn trước mọi kích thích.

Mật ong giúp làm giảm ho

Mật ong từ xa xưa đã được sử dụng như một vị thuốc chữa ho thiên nhiên. Có thể sử dụng mật ong nguyên chất hoặc chế biến cùng một số loại thảo dược để tăng thêm tác dụng. Theo kết quả nghiên cứu của TS Ian Paul và cộng sự (trường ĐH Pensylvania, Mỹ), “Mật ong chữa ho tốt hơn các thuốc mua ở quầy”. Đặc biệt, đây chính là liệu pháp thiên nhiên an toàn, hiệu quả mà cha mẹ nên dùng cho trẻ trên 1 tuổi khi chúng bị ho hay cảm cúm…

Mật ong là một vị thuốc bổ dưỡng

Thành phần mật ong chứa nhiều đường hấp thu nhanh như Glucose, Fructose, Maltose, Sucrose, các acid amin, khoáng chất, enzym tiêu hóa…giúp phục hồi sinh lực, chống mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng. Điều này rất có giá trị khi cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, suy kiệt do các chứng ho, viêm họng trở nên mãn tính, dai dẳng lâu ngày hoặc tái đi tái lại. Khi đó, việc bồi bổ, nâng cao thể trạng, tăng khả năng chống đỡ với tác nhân gây bệnh hay cải thiện khả năng phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên có ý nghĩa quan trọng không kém việc làm giảm các triệu chứng tức thời như giảm ho, giảm viêm, giảm đau rát họng…nhằm đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh.

Nhờ những tác dụng chữa bệnh phong phú như vậy, mật ong không chỉ được sử dụng như một vị thuốc dân gian mà được kết hợp trong nhiều thuốc chữa bệnh. Ngày nay, để giảm các triệu chứng viêm họng, ho, ngứa hoặc đau rát họng, có thể sử dụng các sản phẩm có chứa mật ong như thuốc ho Bảo Thanh, viên ngậm Bảo Thanh (công ty DP Hoa Linh). Sản phẩm được bào chế từ mật ong, ô mai và các thảo dược, trên nền tảng phương thuốc cổ trị ho Xuyên bối tỳ bà cao có tác dụng bổ phế, dưỡng âm, hóa đàm, chỉ khái theo nguyên lý Đông y. Đồng thời, dạng viên ngậm phát huy tác dụng tại chỗ, nhanh chóng làm dịu họng, giảm ngứa rát họng. Thuốc ho Bảo Thanh và viên ngậm Bảo Thanh sử dụng thích hợp khi bị ho, ngứa rát họng do các nguyên nhân thường gặp như thay đổi thời tiết, gió, nhiễm lạnh, cảm lạnh, uống nước lạnh, ngồi điều hòa, khói thuốc, hóa chất, phát âm nhiều…


(Theo Sức Khỏe&Đời Sống)

Hoa đu đủ đực chữa ho

Hoa đu đủ đực là một vị thuốc được dùng phổ biến theo kinh nghiệm dân gian để chữa ho, nhất là ở trẻ em. Khi dùng, hái hoa đã nở ngay tại cây 20 - 30g, để tươi, trộn với đường trắng hay mật ong, hấp cơm rồi nghiền nát, uống làm 2 – 3 lần trong ngày. Có thể dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong những trường hợp sau:



Chữa ho, viêm họng: hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, củ mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp chín rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2 – 3 lần, nuốt nước dần dần.

Chữa ho, viêm cuống phổi, mất tiếng: hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g, nước đun sôi để nguội 20ml. Các dược liệu được nghiền nát với nước. Thêm ít mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng vài ngày.

Chữa ho gà: hoa đu đủ đực 20g, sao vàng; vỏ quýt lâu năm 20g; vỏ rễ dâu 20g, tẩm mật sao; bách bộ 12g; phèn phi 12g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 3 lần: trẻ em 1 - 5 tuổi, mỗi lần 1 - 4g; 6 - 10 tuổi, mỗi lần 5 - 8g.

- Hoa đu đủ đực 15g; trần bì 20g, tẩm nước gừng, sao; lá lốt 40g; nghệ vàng 15g; chua me đất hoa vàng 30g; cam thảo đất 20g; lá chanh non 30g; rau má 40g; vỏ rễ dâu 30g, tẩm mật, sao vàng; vỏ cây khế chua 30g, sao vàng. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày.

- Hoa đu đủ đực 50g, dây tơ hồng 50g, rau má 35g, lá xương sông 20g, lá hẹ 15g. Tất cả sắc với 1,5 lít nước còn nửa lít. Lọc, thêm 75g đường trắng. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 100ml.

Ngoài ra, hoa đu đủ đực 40g phối hợp với lá bạc thau 60g, đậu đen 40g, phác tiêu 4g. Sắc lấy nước đặc, uống làm 3 lần vào lúc đói, chữa tiểu rắt, tiểu buốt, đau niệu đạo, nước tiểu ít và đỏ.

Người ta còn dùng quả đu đủ đực thái nhỏ, phơi khô, tán thành bột mịn; gốc cây mây (lấy loại mọc ở chỗ khô ráo) đốt thành than, tán nhỏ. Trộn hai bột với nhau theo tỷ lệ 3 phần đu đủ và một phần mây. Lấy tăm bông thấm thuốc, bôi hàng ngày chữa tưa lưỡi.

Rễ đu đủ đực 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt. Tất cả giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp chữa rắn cắn

(Theo Sức Khỏe&Đời Sống)

15 thg 12, 2011

Cây Thuốc Quanh Ta

Lâu rồi mình không đăng bài, nhưng bài hôm nay không phải về CNTT mà về những bài thuốc dân giang. Đó là những cây rau quả mình ăn hàng ngày nhưng lại không biết nó là thuốc và công dụng ra sao. Và mình xin giới thiệu về cây rau tía tô cũng như công dụng của nó khi mình tình cờ đọc nó trên Báo Sức Khỏe Và Đời Sống. Có nhiều người có thể đã biết và cũng có thể nhiều người chưa biết về nó. Và với bài này, mình sẽ thêm mục "Cây Thuốc Quanh Ta" tại Blog và mình sẽ sưu tâm thật nhiều những bài thuốc hay không chỉ về cây cỏ để cùng chia sẽ với mọi người, trong mọi người đã ghé qua blog này nếu có bài hay về những bài thuốc quý từ cây, trái,...đã được chứng minh qua thực tiễn thì hãy đóng góp bài cho blog tại mục nhận xét hoặc qua Email: ductri108@gmail.com. Những bài thuốc Nam mình rất đơn giản nhưng lại hiệu quả đấy các bạn ạ. bạn hãy đọc bài sau thì sẽ thấy nó đơn giản như thế nào còn hiệu quả của nó thì bạn tự kiểm chứng nhé.

Công dụng của lá tía tô





Tía tô là vị thuốc được y dược học đông phương xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.




Tía tô còn có các tên như é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Tên La tinh là Perilla frutescens Britt. Họ hoa môi (Lamiaceae). Không nhầm với tía tô tử là hạt của cây tử tô (thận trọng khi viết hai tên này là của 2 vị thuốc không hoàn toàn giống nhau đều cùng lấy từ một cây).

Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Trường hợp không có thì dùng thay thế cho nhau cũng được.

Chữa cảm mạo: giải cảm lạnh

Xông: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ.

Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi - đậy vung kín và khi xông mở vung. Cần chú ý kẻo bỏng và chỉ xông cho người lớn ngồi vững trong chăn. Rất thận trọng với người già gầy yếu và trẻ em.

Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Có cho trứng vào hay không hiện nay còn 2 ý kiến trái ngược nhau có và không. Xông xong nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.

Bài thuốc sắc uống

Hương tô tán: Chữa cảm mạo phong hàn, sốt, gai rét, đau đầu, tức ngực. Lá tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Gừng 2 lát, sắc nước uống. Có thể kết hợp "nồi xông".

Có thai bị cảm mạo: Tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm lá cho 2 bát nước sắc còn 1 bát uống ấm. Tiếp đó cho ăn cháo nóng, đập vào bát 1 quả trứng gà tươi (có trứng gà đen càng tốt).

Cảm mạo: Lá tía tô 1 nắm, vỏ quýt khô lâu năm 1 cái, gừng 3 lát. Đun nước sôi rồi cho 3 thứ vào, đun lại cho sôi, uống nóng. Nếu khó uống cho ít đường phèn. Bài này thích hợp khi bệnh nhân có nôn mửa, đau bụng.

Chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở

Tía tô bổ hư, giáng khí dùng cho trường hợp khó thở ở trẻ em, người già, người có thai vừa hiệu quả, vừa an toàn.

Do ngoại cảm phong hàn: Có viêm đường hô hấp dùng bài Tam tử dưỡng thân thang: tổ tử (hạt tía tô) 6-12g, la bạc tử (hạt cải củ) 8-12g, bạch giới tử 6-8g (hạt cải bẹ trắng). Sắc uống ngày 1 thang.

Thương hàn ho suyễn: 1 nắm lá tía tô nấu nước uống dần là dứt cơn suyễn (Thiên kim phương).

Người lớn tuổi hay thở suyễn, đuối hơi: Hạt tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 bát nước vào quấy đều, lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói (Nam dược thần hiệu).

Trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái: Hạt tía tô 20g tán thành bột, hòa với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hòa vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hòa vào nước cơm cho trẻ uống.

Ho tuổi già (lão khái) ho nhiều đờm đặc, khó thở (viêm phế quản mãn tính). Nếu không phải do phong hàn và bệnh khác thì dùng thang "Tam tử phụng mẫu" gồm có tô tử, lai phục tử, xuyên bối mẫu mỗi vị 8g và bạch giới tử 2g. Sắc uống nóng.

Ho suyễn do phế hư hoặc đàm trắng đục dính, nặng ngực: Dùng phương "Tử tô tử tửu" (Y tiện): hạt tía tô 90g, rượu 1 lít. Hạt tía tô sao thơm, tán bột ngâm rượu gạo ngon trong 10 hôm chắt lấy nước trong bỏ bã. Uống mỗi lần 15-30ml. Ngày 3 lần sáng, trưa, tối (nếu ho đờm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ không dùng).

Hóa đàm giáng khí: Dùng cháo tô tử (Thiên gia thực liệu diệu phương): tô tử hạt 20g xay nhuyễn như hồ cho nước vào rồi ép lấy nước để nấu cháo, gạo tẻ 100g. Cháo được quấy với đường phèn để ăn. Không dùng cho người có tiêu chảy.

Rối loạn tiêu hóa

Ngộ độc thức ăn: Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua, cá.

Lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống: Nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa sát. Hoặc tử tô giải độc thang: lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml chia 2-3 lần trong ngày, uống nóng.

Lời khuyên: Ăn các loại thủy hải sản tanh lạnh đều nên kèm rau thơm gia vị lá tía tô tươi. Nhưng lưu ý có kinh nghiệm không ăn lá tía tô với cá chép vì có thể sinh nhọt.

Táo bón người già suy nhược: Hạt tía tô, hạt me lượng bằng nhau giã nhuyễn cho nước lắng lấy nước nấu chín. Hoặc hạt tía tô, hạt vừng đều 10g, giã nhuyễn cho nước lấy nước nấu cháo, bài này được dùng cả khi táo bón do ung thư ruột.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống